Tham dự hội nghị đối thoại có sự tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, đại diện Sở Tài chính, Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Trường Cao đẳng Luật miền Bắc và đại diện các doanh nghiệp, công ty, các Văn phòng luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Qua hội nghị đối thoại, các đại biểu tham dự đã nâng cao nhận thức và có kỹ năng áp dụng pháp luật lao động cho lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, tại hội nghị đối thoại các giữa chủ trì hội nghị và đại biểu đã có những ý kiến trao đổi, thỏa luận về pháp luật trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động là nữ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến các vấn đề như: giải quyết chế độ thai sản, nghỉ dưỡng sức, cách tính lương cho lao động trong thời gian học việc, quy định giờ làm thêm, chế độ đào tạo nghề cho lao động nữ, vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, thỏa hiệp và thực hiện thỏa ước lao động tập thể...
Nội dung hội nghị đối thoại chính sách và pháp luật dành cho lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được các chuyên gia và các đại biểu tham dự đánh giá là một chủ đề đối thoại hay, gần gũi, thiết thực.
Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, vấn đề đảm bảo pháp luật lao động dành cho lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đề cập tới. Diễn đàn đã tạo cơ hội để các chủ doanh nghiệp và lao động nữ nắm bắt được thông tin hai chiều trong thực hiện các chính sách đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, đảm bảo hài hòa, lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.
- Hoàng Thị Thu Trang -